Trường THCS Vạn Phong - Diễn Châu - Nghệ An

http://thcsvanphong.dienchau.edu.vn


Nhà giáo Văn Như Cương: Ta phải về thôi

"Tôi đã nghỉ hưu lâu rồi, nhưng vẫn nuối tiếc cái nghề mình đã gắn bó bao nhiêu năm. Ta phải về thôi, tuổi xế chiều / Dẫu còn dan díu chút tình yêu / Bài ca sư phạm không đành bỏ / Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo…”, nhà giáo Văn Như Cương tâm sự.

Chúng tôi đến gặp nhà giáo Văn Như Cương vào một ngày đầu năm học mới, tại căn phòng nơi ông làm việc ở trường PTTH Lương Thế Vinh, bên cạnh chén trà nóng ông kể cho nghe chuyện mưu sinh mà lâu nay đã thành giai thoại và hơn hết vẫn là chuyện dạy học mà ông đã gắn bó cả một đời.

“Tam sao thất bản” về chuyện GS Cương nuôi lợn

Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mặc dù là phó tiến sỹ nhưng lương của ông chẳng đủ ăn. Ông nhớ lại: “Hồi đó còn khó khăn lắm, cũng vì thế mà bà vợ ở nhà đã nuôi lợn rồi. Tôi cũng chỉ giúp bà ấy đi vớt bèo về cho lợn”. Hai ông bà cùng vợ quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn. Kể đến đây, ông chợt thanh minh: “Đúng là tam sao thất bản. Chuyện tôi nuôi lợn là có thật nhưng không phải là nuôi tận trên tầng 4 như nhiều người vẫn đồn, nhà tôi đâu có tới 4 tầng, mà tôi nuôi ở tầng 1”. Nói rồi ông lại mỉm cười, rung rung chòm râu bạc.

Ông cũng có bí quyết nuôi lợn hết sức độc đáo khiến nhiều người phải học tập. Sẵn có hộp sữa bột được phân theo tiêu chuẩn, mỗi bận cho lợn ăn, ông lại hòa thêm một chén sữa hoặc có khi thêm chén nước mắm cho đậm đà. Thế nên, lợn nhà PGS Văn Như Cương cứ lớn nhanh như thổi.

Ngày đó có người quen hàng tháng vẫn cho gia đình ông một cái phiếu mua cám. Ông chỉ dành một nửa số cám để nuôi lợn còn một nửa lại đem đi bán để kiếm tiền.

Vì vậy ngoài lợn, nhà ông cũng nuôi được mấy chú chó con. Một hôm có một bà ở khu Cầu Giấy vào nhà ông hỏi mua chó về nuôi. Ông nghĩ bụng bán đi cũng chẳng có giá nên đã biếu bà mua chó mà không lấy tiền. Ngờ đâu, bà ấy lại là nhân viên bán rau mậu dịch nên ngày nào cũng dành cho gia đình ông một mớ rau ngon và dài nhất. Bà bán rau còn dặn thêm: “Khi nào thầy thiếu rau thì cứ qua chỗ em lấy rau về mà ăn”. Vậy mà với mớ rau muống “khổng lồ”, ông đã khéo léo chế biến chẳng bỏ phí chút nào. Phần cuộng dài và cứng ông băm ra cho lợn, đỡ được tiền mua cám, còn phần ngọn ông thì cả gia đình ăn.

Cũng nhờ có những người bạn tốt bụng, mỗi tháng, trừ các loại chi phí rau cám, chú lợn của ông cũng đem lại cho chủ 70 đồng, bằng đúng một suất lương của ông. Ông hay nói đùa: “Không phải Văn Như Cương nuôi lợn mà là lợn nuôi Văn Như Cương”. Bạn bè đến chơi, ông cũng cười rồi đùa rằng: “Nhà có hai phó tiến sỹ đấy, một tôi, một lợn”. Nhưng rồi lợn cũng chỉ nuôi được 2 - 3 lứa là phó tiến sỹ hết tiền mua thức ăn, đành phải bán sớm. Lại có người đến chơi hỏi sao ông cho nó “bảo vệ” sớm thế, lần này ông cười, vẫn rất hài hước: “Hết đề tài (rau cám) nên tôi cho nó “bảo vệ” sớm chứ sao”!

Ngày đó, câu chuyện về phó tiến sỹ Văn Như Cương nuôi lợn đã được lan truyền khắp các nơi và trở thành giai thoại. Nói đến đây, ông chợt xua tay đính chính: “Tôi vốn là người hài hước nên muốn nhìn sự việc theo một cách gì đó dí dỏm. Thế rồi trong những lần ngồi chơi cùng bạn bè tôi đã kể câu chuyện, có anh phó tiến sỹ nọ nuôi lợn trên tầng và bị đoàn vào lập biên bản. Anh ta có nói: “Các ông không được viết là tôi nuôi lợn mà phải là lợn nuôi tôi thì tôi mới ký”. Ông cười rồi bảo: “Đấy là một nhân vật trong câu chuyện vui của tôi chứ không phải là tôi. Vì tôi cũng chưa bao giờ bị lập biên bản với cái tội đó đâu”.

Câu chuyện mang tính gây cười, nhưng ông bảo dẫu sao để nhớ lại một thời đáng… nhớ. Cái thời mà đến bữa cơm chỉ thấy toàn hạt bo bo và canh rau muống, khiến ta phải ao ước “nay ở trong cơm nên có… gạo” hoặc “nay ở trong canh nên có…thịt”. Trong những lúc khó khăn, tiếng cười có tác dụng giải tỏa ưu phiền…

Ngày đó, cuộc sống còn khó khăn, gia đình ông thường phải lấy phiếu thịt để đổi được 2 suất mỡ. Lâu lâu vào dịp cuối tuần hay khi có khách quý tới chơi nhà, ông mới phá lệ để mua ít thịt, thậm chí là mua ít thịt thủ và xương.

Ông kể câu chuyện của người bạn thân của ông nghe còn đáng buồn cười hơn cả câu chuyện nuôi lợn ông vừa kể. Chuyện là ông có một người bạn đi sang làm chuyên gia ở châu Phi. Mỗi tháng người này gửi về cho gia đình 100USD còn bên kia ông ấy cũng ăn uống tằn tiện, tích góp để mua chiếc xe máy cũ rồi bán đi bỏ hết số tiền dành dụm vào ngân hàng. Mấy năm sau, sau một đợt đổi tiền, đồng tiền bỗng trở nên mất giá. Vậy là ông bạn của PGS Văn Như Cương cũng không buồn rút tiền từ ngân hàng ra nữa.

Lại có chuyện khác của một phụ huynh lên Hà Nội chơi với con có tâm sự với thầy Văn Như Cương như sau: “Trước đây tôi đã bán cả đàn bò để lấy tiền cho cháu nó học đại học. Nhà tôi nghèo nhưng không thể để thiếu cái chữ được. Nhưng bây giờ số tiền đó hiện chỉ còn mua được mấy cân thịt bò”.

"Bài ca sư phạm không đành bỏ"

Khi tôi đề đạt nội dung câu chuyện cần trao đổi, nhà giáo Văn Như Cương như khơi được đúng nguồn. Ông nói như chẳng biết mệt. Ông bảo: “Tôi nghĩ nếu anh Châu (GS Ngô Bảo Châu) mà ở Việt Nam thì chưa chắc ngày hôm nay đã giành được giải thưởng Fields. Làm khoa học hết sức khó khăn nên phải rất tâm huyết. Nếu mà chưa giải quyết được nó sẽ mãi lơ lửng trong đầu không thể làm được việc khác. Anh Châu đã may mắn vì đã gặp được một người thầy xuất sắc và có một đội ngũ các nhà khoa học tài năng bên cạnh”.

Nói về sự đầu tư cho giáo dục và khoa học hiện nay, bản thân ông cũng hơi buồn lòng. Với đồng lương ít ỏi khoảng 2 triệu đồng một tháng của một giáo viên trẻ mới ra trường thì chưa đủ sống nếu phải gánh trên vai các nỗi lo về tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mừng bạn bè cưới hỏi… Ông vẫn thường trêu các giáo viên trẻ trong trường, muốn sống được với đồng lương ít ỏi đó thì nhất thiết phải cắt giảm hết mọi thứ đến tối đa, không đi xe máy, không được hút thuốc, cũng chẳng được tụ tập bạn bè…

Ở trường Lương Thế Vinh nơi ông làm hiệu trưởng luôn thực hiện ba không: không họp hành, không bầu bán, không khen thưởng. Với ông, chất lượng giáo dục mới là niềm quan tâm hàng đầu. Ông kể mỗi khi mùa tuyển sinh đến ông lại phải “trốn” lên Tam Đảo hay phải đi du lịch nước ngoài để tránh những cuộc điện thoại xin nhờ vả. Mỗi khi mùa tuyển sinh đến, nhiệm vụ tuyển sinh lại được giao cho những người ông hoàn toàn tin tưởng để đảm bảo rằng mọi học sinh vào học tại trường đều xứng đáng.

Trong quãng thời gian làm hiệu trưởng của mình, ông cũng không thể nhớ được ông đã phải từ chối biết bao những phong bì các bậc phụ huynh mang đến. Nhiều khi số tiền đặt trong phong bì lên tới hàng nghìn đô la.

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp đặc biệt. Ông tâm sự: “Cứng nhắc quá cũng không được. Nhưng phải có lý có tình và phải được giáo viên và phụ huynh học sinh đồng tình. Lần nhận cháu của cố GS Tạ Quang Bửu, thầy giáo cũ, tôi cũng phải nói rõ để cho mọi người hiểu. Lần khác là một cháu khiếm thị, học rất giỏi ở một lớp hòa đồng nhưng khi đậu vào một trường khác họ lại không nhận. Tôi cũng nói rõ lý do. Lần gần đây là học sinh có bố là chiến sỹ quân giải phóng, người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Tôi nửa đùa nửa thật: "Nhận nó vì bố nó thế, mình không nhận có ngày nó húc đổ trường mình...". Mọi người đều cười vui vẻ...

Tôi vẫn còn nhớ khi ông ra tận cửa đón tôi vào cũng là có một phóng viên chuẩn bị kết thúc buổi phỏng vấn của mình. Cô phóng viên đó có hỏi với đại ý, thầy định bao giờ thì nghỉ. Ông vuốt nhẹ chòm râu trắng muốt nhẹ nhàng nói: Tôi đã nghỉ hưu lâu rồi, nhưng vẫn nuối tiếc cái nghề mình đã gắn bó bao nhiêu năm. Còn sức khỏe là tôi còn theo. Rồi ông đọc thơ: “Ta phải về thôi, tuổi xế chiều / Dẫu còn dan díu chút tình yêu / Bài ca sư phạm không đành bỏ / Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo…”

Nhà giáo Văn Như Cương sinh năm 1937, tại Quỳnh Lôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng. Ở cái làng nhỏ của ông, nhiều người đỗ đạt nên dường như một điều mặc định, cứ hễ là đàn ông thì đa phần sống bằng nghề “gõ đầu trẻ” còn phụ nữ quanh năm dệt vải.

Ông kể, ông cụ thân sinh trước cũng là giáo viên trường làng, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng. Chẳng những thế, ba cô con gái của ông hiện giờ cũng là nhà giáo. Thậm chí, cháu ngoại của ông cũng có người đang theo học ngành sư phạm. Nghiệp dạy đã gắn liền với gia đình ông qua nhiều thế hệ, không ai bảo ai nhưng tất cả dường như đều chọn chung một nghề. PGS Văn Như Cương coi cái đó là duyên, mà đã là duyên thì tự nó sẽ đến.

Ngoài công việc học toán và sau này là dạy toán đã theo ông đến trọng cuộc đời, PGS Văn Như Cương cũng là một người yêu thơ, thích họa, thích thể thao, hay viết báo.
Ông rất thích thể thơ Đường luật, bởi theo ông niêm luật, quy tắc gieo vần của nó chặt chẽ như... toán học. Và tuy bị trói buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc nhưng những ngôn từ, ý thơ vẫn bật lên, giàu sức bay bổng.

Năm 1971, bảo vệ luận án PTS toán học tại Viện Toán học, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô(cũ). Về nước, ông là Chủ nhiệm bộ môn hình học, trường ĐHSPHN rồi trường ĐHSP Vinh.

Năm 1989, ông mở trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam mang tên Lương Thế Vinh.

Ông từng chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo chương trình phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học.

Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư.

Theo: Vietbao.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây