Nhà trường đưa con người tự nhiên thành con người văn hóa, con người xã hội

Thứ ba - 05/03/2013 09:14
(GD&TĐ) - Những năm gần đây, dư luận xã hội tập trung nhiều ở thực trạng dạy và học các môn khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là học văn của học sinh. Điều này cũng dễ hiểu, thể hiện sự nhận biết về vị trí, vai trò quan trọng của môn Văn trong hình thành phẩm chất văn hóa của công dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Bên lề Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia về dạy học Ngữ văn ở Trường Phổ thông Việt Nam, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với GS.NGND Trần Đình Sử, nhà Lý luận Phê bình Văn học, nhà giáo có tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu phương pháp giảng dạy, đồng thời là người khởi xướng mô hình Đọc-Hiểu trong dạy học Văn.
 

P.V:   Thưa Giáo sư, là Tổng chủ biên Sách giáo khoa Trung học phổ thông, nhưng ông lại chỉ ra khá nhiều hạn chế về phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên hiện tại. Đây có phải là hiện tượng “lực bất tòng tâm” hay không, thưa ông?   

GS.NGND Trần Đình Sử: Có thể nói, thời gian qua, chúng ta đã thay đổi được chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và về cơ bản đã đổi mới rất nhiều so với chương trình, SGK trước đó, đặc biệt, có coi trọng năng lực Ngữ văn, đọc biệt là Đọc-Viết…Chương trình THCS, THPT đọc văn, làm văn. Tuy nhiên việc thực hiện chương trình đó gặp rất nhiều khó khăn. Một là giữa trường đại học và phổ thông không có sự kết hợp đồng bộ, phương pháp học không theo kịp yêu cầu của chương trình. Phương pháp truyền thống thiên về giảng văn, phân tích những điều hay, chỗ thấm thía. Nói đến dạy Văn là người ta hình dung ra người thầy đứng trên bục thuyết giảng giọng trầm, giọng bổng…Phương pháp đó cũng đào tạo được thế hệ học trò yêu mến môn văn. Nhưng nhu cầu ngày nay là đào tạo đại trà nguồn nhân lực xã hội, coi trọng năng lực đọc và viết của công dân. Một công dân mà viết không ra văn bản, đọc không hiểu ý tứ thì không thể nhanh nhạy nắm bắt thông tin được và cũng không thể thành đạt được. Cho nên đòi hỏi phải đổi mới phương pháp dạy-học Ngữ văn, coi Ngữ văn là môn có tính công cụ, đào tạo năng lực giao tiếp xã hội bằng văn bản; không chỉ là văn bản văn học mà còn là văn báo chí, văn chính luận, nghị luận, thậm chí cả văn hành chính, văn khoa học. Việc dạy người, dạy cho HS biết đồng cảm với con người là đặc sắc riêng của môn Văn. Truyện, Ký, Thơ, Ca, Kịch có thể đảm nhận chức năng này. Nhưng không thể chỉ đóng khung ở đó, vì người lao động còn được đào tạo về ngôn ngữ viết, nói mới có thể tiếp nhận mọi đào tạo khác. Phương pháp giảng văn cũ đào tạo con người trở nên thụ động: giáo viên đọc-học sinh chép; giáo viên giảng-học sinh nghe, HS thụ động theo phương pháp của thầy, không phát huy được năng lực cá nhân. Ứng với lối dạy đó là lối thi, kiểm tra trả bài theo kiểu lỗi thời: học gì thi nấy, chỉ trả bài đã học chứ không thể hiện năng lực gì khác. Thế mới có tình trạng học ôn theo bộ đề, chạy theo các lò luyện thi. Cho nên chương trình mới đã không thể thực hiện được. Nói tóm lại là sách giáo khoa mới nhưng lại dạy theo lối cũ, nhiều GV vẫn chỉ dạy chữ, kiểm tra theo lối cũ, lên lớp chỉ lo làm sao cho khỏi “cháy” giáo án. Lỗi là ở người dạy chứ không phải người học. Trọng tâm của việc dạy học là ở khâu học. Một khi GV không coi người học là trung tâm thì tất cả cũng như vô nghĩa.  

Thứ hai, chương trình, SGK hiện hành cũng còn có nhược điểm là nặng và quá tải, thời lượng lên lớp ít nên GV không thực hiện hết được ở một số tiết dạy. Định hướng sắp đến của Bộ là phải giảm tải. 

P.V: Thưa GS, được biết ông là người khởi xướng phương pháp đọc sáng tạo trong dạy Văn ở trường phổ thông. Phương pháp này phát huy được vai trò chủ đạo của thầy, chủ động của trò, khắc phục đáng kể lối dạy thầy giảng- trò nghe, thầy đọc-trò chép mà ông vừa đề cập. Tuy nhiên, trong thực tế, PP đọc sáng tạo chỉ được thực hiện ở những giáo viên thực sự có năng lực. Còn một bộ phận  không nhỏ GV còn thua kém cả học sinh về năng lực đọc diễn cảm văn bản nên khó mà phát huy được khả năng đọc-hiểu của HS trong giờ học; thành ra lại biến giờ văn trở nên đơn điệu; nhàm chán, chỉ có đọc và đọc; cũng như một giáo viên nghèo kiến thức thì không thể thực hiện tích hợp trong tiết dạy được, có khi còn tích hợp một cách khiên cưỡng, vô bổ. Giáo sư nghĩ sao về thực trạng này? 

GS.NGND Trần Đình Sử:  Đó là một trong những hạn chế lớn từ người dạy mà nhà trường khó khắc phục. Tích hợp là quan điểm xây dựng chương trình và SGK, còn phương pháp đọc sáng tạo hay tất cả phương pháp mới được cụ thể hóa thành thao tác, thành công việc. Về nguyên tắc thì mọi người đều tán thành, nhưng trong thực tế lại đòi hỏi nhiều ở năng lực người thầy. Giáo viên yếu kém thì không dễ tiếp cận với phương pháp mới và cũng không thế sáng tạo được. Gia đình nào cho con đến trường cũng muốn con được học thầy giỏi chứ ai muốn giao con cho thầy yếu, kém. Nhưng nhà nước lại không có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên giỏi,  nên thành ra việc gia đình phải giao con cho người yếu, kém là không tránh khỏi, đó có thể coi là thảm họa với họ, còn chương trình thì vẫn nằm ở trên không xuống dưới được.   

P.V: Trong một số bài tham luận của mình, GS đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân bất cập, tồn tại trong lĩnh vực đào tạo GV Ngữ văn, và ông cho rằng, không thể một sớm, một chiều mà giải quyết ngay được những bất cập, tồn tại đó. Vậy theo GS, mắt xích để tháo gỡ bất cập bắt đầu từ đâu?

GS Trần Đình Sử: Hãy hình dung chúng ta đang có hàng vạn GV lên lớp; với những GV yếu kém, năng lực thẩm mỹ nghèo nàn, thậm chí có người bất đắc dĩ mới thi vào ngành văn, thì dẫu có tập trung lại đào tạo một sớm, một chiều cũng không thể khá lên được. Vì vậy phải kiên trì từng bước, có kể hoạch tuyển dụng, đào tạo cho họ về năng lực. Vấn đề là ở chỗ họ có muốn học hay không? Phải bắt đầu từ  thay đổi chính sách lương bổng, có cơ chế riêng cho tuyển dụng GV Văn, làm cho họ thấy được có thể sống được bằng nghề, nghề làm vẻ vang cho họ. Giáo viên thì như thế, còn với SV thì tình trạng thi vào sư phạm do không đủ năng lực để thi vào ngành khác, không tự tin là ra trường có chỗ nên học chỗ này “nhòm ngó” chỗ kia đang khá phổ biến. Làm sao có thể đào tạo cho xã hội tương lai những con người như thế. Vì vậy, theo tôi, phải bắt đầu từ khâu tuyển dụng giáo viên. Không thể đánh đồng đào tạo GV Văn với bất cứ ngành nào. Nghề dạy học cực kỳ quan trọng, chỉ có nghề dạy học mới đào tạo ra con người, đưa con người tự nhiên thành con người văn hóa, con người xã hội.  

P.V: Thưa GS,  liệu có thể kết hợp giữa các cơ sở đào tạo GV với trường phổ thông, để không còn sự tách biệt giữa tiếp nhận đào tạo với phương pháp dạy học thực tế ở nhà trường phổ thông hay không? 

GS Trần Đình Sử: Đó là điều trong tương lai chắc chắn phải kết hợp! Lâu nay mối quan hệ rời rạc là do khâu quản lý. Nếu có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng phải làm những gì, trường phổ thông phải làm những gì, chương trình ở phổ thông cũng phải điều chỉnh ra sao để ĐH, CĐ đáp ứng được sự phát triển thì sẽ thực hiện được như là mong muốn.  

P.V: Thưa GS, về tên gọi của môn học, cũng có sự thay đổi qua từng giai đoạn: Trước đây tên gọi là Giảng Văn, tới tiếng Việt và Văn học; tới năm 2000 về sau lại là Ngữ văn. Ông có bằng lòng với tên gọi Ngữ văn hiện tại?

GS Trần Đình Sử: Tôi cho rằng tên gọi Ngữ văn có phần hợp lý. Nếu gọi là Giảng văn thì chỉ có một mảng văn học; gọi là Tiếng Việt và Văn học thì dài dòng; gọi Quốc học cũng không đúng. Ngữ văn là từ Hán Việt có 2 ý, 4 nội dung: Ngữ là tiếng; Văn là Văn bản. Ngữ văn bao gồm cả ngôn ngữ và văn bản, bao gồm cả nói và viết. Các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều có khoa Ngữ văn. Như vậy phần nào đã nói lên sự thống nhất về tên gọi. 

P.V: Thưa GS, ông được đội ngũ giáo viên dạy Văn các cấp kính nể không chỉ vì ở vị trí Tổng chủ biên sách giáo khoa, mà còn về rất nhiều bài viết giàu tính phản biện nếu không nói là “bút chiến” để bảo vệ cho cái đúng. Bản lĩnh đầy tự tin toát lên từ những bài viết đó của ông xuất phát từ lợi thế vốn có của một nhà phê bình, hay một nhà giáo có mây mươi năm trong nghề đào tạo GV Văn thưa ông?

GS Trần Đình Sử: Tôi là một nhà khoa học, lại là nhà sư phạm nên trước hết phải hiểu về tâm lý, về giáo dục học thì mới có thể nêu lý thuyết được. Tôi đọc rất nhiều các loại sách của các nước Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây. Tôi tuy không trực tiếp dạy học ở phổ thông nhưng từng đưa SV đi thực tập nhiều đợt. Song chủ yếu những kiến thức, kinh nghiệm có được vẫn là sự quan sát từ chính nghề dạy học của mình.  

P.V: Năm nay GV đã bước qua lằn ranh của tuổi “thất thập”, liệu khi Chương trình, SGK mới ban hành sau 2015, nhiều người vẫn lại quen với tâm lý ngại thay đổi, lại “điều ra, tiếng vào”, ông có sẵn sàng “bút chiến” không? 

GS Trần Đình Sử: Bút chiến chứ! Tôi luôn đứng về phía phát triển, chống quan điểm bảo thủ vì lợi ích tương lai của giáo dục chứ không bao giờ chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Tôi làm lý luận văn học nhưng khi giáo trình đã cũ thì tôi dứt khoát thay đổi. Chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn, với rất nhiều đổi thay của xã hội. Theo quy luật sự loại bỏ, thay đổi cái cũ là lẽ đương nhiên. Những người không chịu thay đổi là do cái cá nhân của họ, vì tên tuổi của họ gắn liền với cái đã có nên khư khư giữ lấy. Phê bình có mặt tích cực cần thiết của nó. Nhưng phê bình cần phải hiểu biết, những gì chưa biết thì tìm hiểu. Có không ít người đứng ngoài, không làm giáo dục nên không hiểu giáo dục, cứ tưởng chuyện gì cũng đơn giản, phê bình SGK một cách thiếu khoa học, thích thế này, đòi hỏi thế nọ. Chẳng hạn có người kêu ca tác phẩm này, tác phẩm nọ thiếu chất văn nhưng theo quan điểm dạy học mới thì HS không chỉ đọc-hiểu những tác phẩm văn chương có tính hình tượng, mà còn phải biết nhiều loại văn khác như văn nghị luận, văn thuyết minh. Văn thuyết minh là để giúp học sinh biết trình bày ý tưởng một cách mạch lạc vì trong thực tế, nhiều em khi bước ra xã hội vẫn còn chưa biết trình bày ý tưởng sao cho mạch lạc, chứ chưa nói đến những việc lớn hơn…

PV: Xin cảm ơn GS. Chúc GS một năm mới dồi dào sức khỏe để tiếp tục cống hiện cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà!

Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

 Từ khóa: xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay36
  • Tháng hiện tại7,443
  • Tổng lượt truy cập403,404
ALBUMS ẢNH
VIDEO SỰ KIỆN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây